Xây dựng văn hoá người Hà Nội từ ‘lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp’ - Ảnh VGP/Gia Huy

Cần xây dựng văn hoá người Hà Nội từ ‘lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp’

Qua triển khai Chương trình số 06-CTr/TU năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo chương trình đánh giá nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã tạo được nhiều đột phá.

Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo, đó chính là sự kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới; triển khai hiệu quả từ các thôn, xóm, nhà văn hóa, các khu dân cư tại địa bàn Hà Nội.

Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp của thanh niên trong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, trong sinh hoạt, lao động hằng ngày được kịp thời phát hiện, biểu dương và tôn vinh. Nhiều gương người tốt, việc tốt của thanh niên trở thành những nguồn cảm hứng, động lực của nhiều bạn trẻ, đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" và trách nhiệm phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Hà Nội hiện nay với tính chất đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế thị trường đã và sẽ dẫn đến sự di cư lao động, sự phân hóa-phân tầng xã hội và hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa các địa bàn đô thị (trung tâm, vệ tinh, thành thị, nông thôn), nhất là về mức sống, chất lượng sống, lối sống.

Điều này đòi hỏi Hà Nội không chỉ phải phát huy các giá trị truyền thống mà còn phải hướng xây dựng các giá trị mới phù hợp với cơ cấu có tính chất mở về dân cư, kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nêu ý kiến, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hoá các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hoá người Hà Nội từ "lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp". Tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương "người tốt, việc tốt"; đồng thời có chế tài để ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hoá, không phù hợp với truyền thống thanh lịch của người Hà Nội.

Ngoài ra, khơi dậy phong trào xã hội sâu rộng, tinh thần trách nhiệm cao của các bậc ông, bà, cha, mẹ, anh, chị và những người lớn tuổi nói chung đối với việc giáo dục, đào tạo, vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ Thủ đô. - Đẩy mạnh các phong trào, hoạt động văn hoá - xã hội mang tính chất nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tuyên truyền, khen thưởng những gia đình có truyền thống văn hoá, hiếu học ở Thủ đô…

Xây dựng mô hình mẫu, điển hình

Trong quá trình thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy, TP. Hà Nội cũng đã nhận định, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Vì vậy, UBND TP. Hà Nội vừa có kế hoạch nhằm tăng cường xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025. Việc này nhằm đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Theo đó, Thành phố tiếp tục xây dựng khung kế hoạch, lộ trình thực hiện, lựa chọn các nội dung nhiệm vụ đã triển khai hiệu quả, có sức lan tỏa để tiếp tục ưu tiên đầu tư; xây dựng mô hình mẫu, điển hình nhằm phát huy lợi thế sẵn có của từng đơn vị, địa phương.

Hà Nội tiếp tục chủ động thực hiện việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng bộ Thành phố về văn hóa, triển khai rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết chuyên đề, các quyết định đã ban hành về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để bổ sung, sửa đổi, ban hành các Nghị quyết phù hợp với thực tiễn phát triển của Thành phố.

Một điểm nhấn tiếp theo là Hà Nội sẽ xây dựng và phát huy hiệu quả "văn hóa trên môi trường số", khai thác tốt các giá trị truyền thống, hướng tới mục tiêu xây dựng "công dân số", "công dân toàn cầu". Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản; quản lý các loại hình thông tin trên mạng internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Để xây dựng Người Hà Nội phát triển toàn diện, Thành phố định hướng xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước; trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người dân Thủ đô đều hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử và văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và ban hành bộ tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện; làm căn cứ để các cấp, các ban, ngành xây dựng hoàn thiện các tiêu chí thực hiện đảm bảo thống nhất việc triển khai các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các tiêu chí cụ thể của từng ngành, từng đơn vị.

Kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa gia đình truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, gắn với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; Xây dựng người Hà Nội có lối sống tôn trọng, chấp hành các quy định của pháp luật và các quy định của địa phương; tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, cái tích cực và cao thượng; nhân rộng các giá trị nhân văn cao đẹp của Thủ đô và đất nước.